Việc phòng bệnh cho tôm nuôi là yếu tố then chốt giúp kiểm soát tối đa mầm bệnh, tránh lây lan diện rộng, gây chết tôm hàng loạt, bên cạnh đó còn giảm trừ chi phí điều trị. Vì vậy, để nuôi tôm đạt hiệu quả tốt thì ngoài việc thực hiện đúng kỹ thuật nuôi, người nuôi còn phải theo dõi tình hình hoạt đông của tôm và vận dụng biện pháp phòng trị thích hợp. Muốn phòng bệnh cho tôm một cách có hiệu quả, bà con cần chú ý các biện pháp dưới đây nhằm hạn chế tối đa những rủi ro gây bệnh cho tôm nuôi của mình.
Mục lục
Kỳ I: Phương pháp chọn giống
Chất lượng tôm giống ảnh hưởng 50% đến năng suất và chất lượng của tôm thương phẩm. Để lựa chọn con giống tốt, khỏe mạnh bà con có thể áp dụng kỹ thuật sau:
1. Phương pháp cảm quan
Khi lựa chọn tôm giống, bà con cần quan sát kỹ tôm, hoạt động của tôm như sau:
– Kích cỡ đồng đều, với tôm thẻ chân trắng thả thường là P12 đến P15 có chiều dài 9-11 mm, tôm Sú là P15 – P20 chiều dài 15-18mm.
– Màu sắc tôm tươi sáng, đầu thân cân đối, đuôi tôm xòe ra.
– Tôm bơi linh hoạt, khỏe mạnh, phân bố đều trong bể nuôi với hình dáng thon dài
– Ruột chứa thức ăn đầy đủ, khả năng săn mồi tốt.
– Bà con có thể dùng tay gõ nhẹ vào thành xô, thay chứa tôm, nếu tôm phản ứng nhanh thì chứng tỏ tôm khỏe mạnh. Ngược lại, tôm không phản ứng, bơi lờ đờ, cơ thể cong vẹo khi bơi lội thì chứng tỏ tôm yếu, thậm chí có thể bị nhiễm bệnh.
– Phản xạ: Nhìn vào bể, tôm họat động mạnh, bơi lội nhiều, bám thành bể, khi đưa vào chậu chứa khoảng 10 lít nước , xoay tròn dòng nước, tôm tủa ra xung quanh và bơi ngược dòng, không tụ vào giữa chậu khi dòng nước dừng xoay là tôm có chất lượng tốt.
– Đánh giá bằng gây sốc: Tôm giống sống trong bể có độ mặn khoáng từ 30 – 33‰, chúng ta gây sốc bằng cách vớt 300 tôm giống thả vào chậu chứa khoảng 5 lít nước có độ mặn 10‰. Sau 1 giờ nếu tôm sống trên 80% thì nên lựa chọn, nếu tỷ lệ sống thấp hơn không nên mua.
Phương pháp cảm quan chỉ đánh giá tình trạng tối ưu của tôm nuôi, nên ngoài việc đánh giá bằng phương pháp bằng cảm quan bà con nên kết hợp đánh giá bằng các phương pháp khác.
2. Quan sát tôm dưới kính hiển vi
Chọn tôm giống bằng quan sát trên kính hiển vi giúp xác định tôm giống có bị nhiễm nấm, vi khuẩn hay động vật nguyên sinh bám ở chân, đuôi, vỏ và mang tôm hay không. Những yếu tố này sẽ gây cản trở sự hô hấp và lột xác của tôm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Việc quan sát tôm giống trên kính hiển vi đối với tôm ta tiến hành soi 10 cá thể tôm/ 1 bể ương và quan sát các chỉ tiêu sau đây:
♥ Ngoại ký sinh vật bám: Quan sát tất cả các phụ bộ của tôm (chân bò, chân bơi) dưới kính hiển vi có độ phóng đại X10 – X40. Xem xét có sự hiện diện của các sinh vật như trùng loa khèn, vi khuẩn bám dạng sợi. Tôm đạt chuẩn thì sẽ không có các sinh vật bám đó, mắt tôm sáng và sạch. Kết hợp quan sát các đốm trên vỏ tôm, tôm bị đốm đen và có ký sinh bám thường do nước trong bể ương xấu. Trường hợp ngoại sinh vật bám ít, môi trường ương tốt thì sẽ được làm sạch vào lần lột xác tiếp theo.
Sợi khuẩn Leucothrix và ký sinh trùng Vortycella (hình chuông) bám trên phụ bộ tôm (Nguồn: Internet)
♥ Số gai trên chủy: gai chủy và mang tôm có sự phát triển tương đồng theo độ tuổi tôm. Số gai trên chủy >4, ít nhất đạt 3.5 gai thì mang mới khá hoàn thiện, để điều chỉnh áp suất thẩm thấu khi chuyển vào môi trường ao nuôi. Giai đoạn PL10, tôm giống có ba gai phát triển hoàn chỉnh và một chồi nhỏ của gai thứ 4 đang phát triển. Trong khi tôm PL12 có bốn gai đã phát triển hoàn thiện. Gai trên chủy từ 7 – 8, cho thấy tôm vượt quá tuổi post.
♥ Phụ bộ chân bơi, chân bò: Quan sát thấy tôm có phụ bộ đầy đủ và nguyên vẹn, không bị mất hay mòn, không có dấu vết đốm đen. Tôm không bị dị hình.
♥ Gan tụy và đường ruột tôm: Gan tụy to và có nhiều giọt dầu khi quan sát dưới kính hiển vi là tôm tốt. Gan tụy nhỏ, có màu trắng, ít giọt dầu là tôm bị bệnh.
Gan tôm và giọt dầu của tôm khỏe (Nguồn tepbac)
♥ Tỷ lệ cơ ruột: Quan sát tại vị trí đốt thứ 6. Tỷ lệ chiều rộng cơ: chiều rộng ruột là 4:1 tôm giống có sức khỏe tốt.
♥ Mang tôm: Mang cần được quan sát dưới kính hiển vi, khi mang phát triển hoàn chỉnh khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu của tôm tốt khi được đưa vào môi trường ao nuôi.
♥ Sắc tố: Là những dãy hình hoa thị, hoặc chấm sao tạo nên màu sắc thân tôm. Nếu tôm khỏe, các tế bào sắc tố ở phần bụng sẽ xuất hiện những đốm nhỏ, co cụm có dạng hình sao. Còn nếu tôm yếu, các tế bào sắc tố thường lan rộng và phân tán tạo thành những vạch nối tiếp nhau phía dưới phần bụng. Màu của tế bào sắc tố cũng biểu thị tình trạng sức khỏe tôm:
- Màu nâu sắt gỉ/ màu xám tro/ màu xám tro đen là tôm khỏe mạnh.
- Màu vàng sức khỏe tôm đang ở mức trung bình
- Màu dương là máu tôm yếu và bệnh
3. Lựa chọn giống bằng phương pháp PCR
– Kiểm tra PCR (thường được khuyến cáo nên bắt đầu từ PL6) với các bệnh IHHNV (hoại tử biểu mô dưới vỏ và cơ quan tạo máu), hoại tử cơ (myonecrosis – IMNV), Tau ra (TSV), đầu vàng (YHV) và đốm trắng (WSSV).
– Tổng số vi khuẩn tối đa trên đĩa thạch là 1 x 10^3 CFU/g với hơn 90% các khuẩn lạc màu vàng.
– Không có sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh phát sáng khi kiểm tra trên đĩa thạch.
Test vibrio trên đĩa thạch (Nguồn: tepbac)
Để có những con giống khỏe, tốt về chất lượng bà con nên chọn những nơi cung cấp nguồn giống có thương hiệu, uy tín, có kiểm tra mầm bệnh bằng các phương pháp PCR hiện đại, có các chứng chỉ sạch các loại bệnh nguy hiểm như: virus đốm trắng (WSSV), virus còi (MBV), virus đầu vàng (HPV) và bệnh TAURA trên tôm thẻ chân trắng.