Tắm cho lươn là cách làm mới, mang tính cải tiến trong mô hình nuôi lươn không bùn của nông dân miền Tây. Cách tắm lươn vừa nhanh vừa sạch đã giúp anh nông dân tỷ phú Tô Phước Mạnh ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh bỏ túi hơn 500 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Tô Phước Mạnh, ngụ ở xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh khác hẳn với những hộ nuôi lươn ở tỉnh này.
Cụ thể nhất là cách canh Mạnh tắm lươn “không giống ai, không đụng hàng”. Ngoài sử dụng vòi phun nước, anh còn lắp đặt phía trên bể nuôi thêm khoảng 10 béc phun. Các béc phun tắm này được bố trí đều khắp ở bể nuôi lươn. Ở phía dưới bể nuôi lươn không bùn, anh Mạnh lắp thêm 1 đường thoát nước và 1 đường cấp nước lớn. Lúc tắm cho lươn, anh Mạnh mở đường thoát nước lớn cho nước chảy ra ra ngoài thật nhanh.
Cùng lúc này anh mở vòi phun nước cùng 10 béc phun lên và bắt đầu công đoạn tắm cho lươn. Sau khi nước trong bể rút hết, lươn đã được tắm xong, anh Mạnh mở đường cấp nước, cho nguồn nước mới vào (nguồn nước này đã xử lý sạch từ ao lắng trước đó). Anh Mạnh cho biết, với thiết kế của anh, trong 1 phút thay được 1 khối nước trong bể nuôi lươn không bùn.
Nếu bể nuôi lươn không bùn có dung tích 3 khối nước thì chỉ thay trong vòng 3 phút. Cách làm “không đụng hàng” này đảm bảo bể nuôi lươn không bùn luôn sạch, không bị đóng rong, cặn bã sẽ cũng sẽ trôi đi hết.
Anh Mạnh cho rằng, việc tắm cho lươn nhanh sẽ giúp lươn không bị mệt (lươn mệt sẽ không ăn thức ăn). Trong khi đó cách thay nước ở bể nuôi lươn không bùn của những hộ dân khác sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Hiện nay, anh Mạnh tắm cho lươn thịt cỡ lớn 3 lần/ngày. “Sáng sớm tắm 1 lần, 9 giờ cho lươn ăn, 13 giờ tắm 1 lần, 17 giờ cho lươn ăn và 21 giờ tắm lần thứ 3. Đối với lươn nhỏ thì số lần tắm sẽ cao hơn lươn thịt cỡ lớn” – anh Mạnh tiết lộ.
Ngoài sử dụng vòi phun nước, anh Tô Phước Mạnh còn lắp đặt phía trên bể nuôi lươn thêm khoảng 10 béc phun. Các béc phun này được bố trí đều khắp. Ảnh Huỳnh Xây
Anh Mạnh nhấn mạnh: “Lươn nuôi đặc biệt thích nước sạch. Nước càng sạch lươn càng lớn nhanh. Do đó, để nuôi lươn không bùn trong bể xi măng thành công, tôi đặc biệt lưu tâm khâu tắm cho lươn sao cho càng nhanh càng tốt và đảm bảo bể ở trạng thái luôn sạch”.
Ngoài ra, theo anh Mạnh, nếu bình thường lươn ăn khoảng 10 kg thức ăn cho mỗi bể. Khi nước không sạch lươn chỉ ăn 3 kg, tức người nuôi mất 7kg thức ăn bỏ phí. Trong khi đó tiền tắm cho lươn chỉ tốn vài nghìn đồng mà giúp lươn tăng trọng hàng trăm lần so với nguồn nước dơ bẩn… “Bí mật” tắm cho lươn của anh Mạnh phù hợp với mô hình nuôi lươn không bùn mật độ dày đặc, số lượng nhiều. Theo anh tính toán, nếu áp dụng giải pháp tắm cho lương, 1 người có thể quản lý được từ 30 – 40 bể nuôi lươn không bùn trở lên.
Anh Mạnh cho biết, anh đang có 19 bể nuôi lươn không bùn (1 bể thả nuôi khoảng 3.500 con, khi thu hoạch ước đạt khoảng 1 tấn lươn) trong trang trại rộng 600 m2. Hiện trại nuôi lươn không bùn của gia đình anh Mạnh có tổng số lượng lươn đang nuôi khoảng 65.000 con.
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng với cách tắm lươn “không giống ai, không đụng hàng” đã giúp anh Tô Phước Mạnh, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) xuất bán khoảng 15 tấn lươn thịt/năm. Trừ hết chi phí anh còn lời hơn 500 triệu đồng từ mô hình nuôi lươn không bùn mật độ dày đặc.
Huỳnh Xây
Báo Dân Việt